Danh sĩ, chí sĩ Phạm Văn Nghị, hiệu Nghĩa Trai, sinh ngày 24-12-1805, tại xã Tam Quang, huyện Đại An, tỉnh Nam Định (nay là xã Tam Đăng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), nên cũng có tên hiệu là Tam Đăng Phạm Văn Nghị.
Năm Bính Dần (1826), ông đỗ tú tài, đến năm 1837 đỗ cử nhân, năm sau 1838 đỗ Hoàng giáp, được bổ vào làm Tu soạn Viện Hàn lâm, rồi ra làm Tri phủ Lý Nhân, có lúc bị giáng ba cấp, lại trở về làm Biên tu ở Sử quán.
Từ năm 1846, ông cáo bệnh, về quê chữa bệnh và dạy học. Thời gian này, ông lập trại Sĩ Lâm.
Năm Đinh Tỵ (1857), ông ra làm Đốc học Nam Định, năm sau 1858, Pháp đánh chiếm Sơn Trà (Đà Nẵng) ông dâng sớ chống Pháp ở Sơn Trà (nổi tiếng về việc “Trà sơn kháng sớ” này). Ông chỉ huy đoàn quân nghĩa dũng đi kháng chiến. Hai môn đệ của ông là Đặng Ngọc Phác tức phó bảng Đặng Ngọc Cầu, và Phan Văn Xưởng tích cực cùng ông chiến đấu trực diện với quân xâm lược.
Quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng, ông trở về cương vị Đốc học Nam Định nhưng vẫn lưu tâm tổ chức nghĩa quân kháng chiến.
Ông nhiệt thành lo nước thương dân, trên cương vị nào cũng hết lòng làm tròn nhiệm vụ. Ngày 10-12-1873 (âm lịch), ông chỉ huy đánh Pháp ở Độc Bộ, ngày 27-12 (âm lịch), lập căn cứ ở núi An Hoà chống Pháp, giữ các huyện Ý Yên, Phong Doanh.
Sau khi đã làm hết sức mình mà không như ý nguyện trong cuộc kháng chiến, có lúc ông bị triều đình bãi chức, cuối cùng ông về hưu, ở ẩn nơi động Liên Hoa.