2 nội dung được quan tâm trong dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT là vấn đề thi trên máy tính theo lộ trình thích hợp và có lộ trình dần chuyển 2 bài thi tổ hợp thành tích hợp, khi đó từ 3 đầu điểm trên bài thi tổ hợp như hiện nay sẽ dồn thành 1 đầu điểm.
Bài thi tích hợp điểm hay kiến thức
Nhận định về việc có lộ trình dần chuyển 2 bài thi tổ hợp thành tích hợp, khi đó từ 3 đầu điểm trên bài thi tổ hợp như hiện nay sẽ dồn thành 1 đầu điểm, ông Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội) – cho rằng, cần làm rõ: Bài thi tích hợp về điểm hay tích hợp về kiến thức.
Nếu tích hợp về điểm có nghĩa các câu hỏi vẫn thuộc về các môn học riêng rẽ, một bài thi gồm nhiều câu hỏi ở 3 môn học, điểm bài thi được tính trên số câu hỏi trả lời đúng (không phân biệt môn học nào và không có điểm liệt ở môn học thành phần). Nếu tích hợp về kiến thức, trong bài thi sẽ có nhiều câu hỏi có nội dung tích hợp liên môn, học sinh cần vận dụng các kỹ năng và kiến thức tổng hợp để trả lời.
Đặt giả sử là phương án tích hợp về điểm, theo ông Nguyễn Khánh Chung, nội dung bài thi sẽ không có gì đổi mới, chỉ đổi mới cách làm bài (học sinh sẽ không phải làm lần lượt từng môn thành phần) và đổi mới cách tính điểm. Nếu chỉ có 1 đầu điểm tích hợp sẽ cần sửa lại Quy chế thi THPT quốc gia, điểm liệt sẽ tính như thế nào? Các trường đại học, cao đẳng sẽ phải tính toán lại phương án tuyển sinh, tiêu chí điểm chuẩn: Sẽ không còn khối A: Toán – Lý – Hóa hay khối B: Toán – Hóa – Sinh nữa. Bất cập là các trường đại học, cao đẳng sẽ không chọn được thí sinh đúng theo tiêu chí kiến thức môn học đầu vào.
“Để có những thế hệ giáo viên đủ năng lực đó, ngành Giáo dục cần có những chương trình đào tạo lại, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ giáo viên hiện nay; các trường đại học sư phạm cũng cần đổi mới chương trình đào tạo để cung cấp nguồn giáo viên đáp ứng được yêu cầu mới. Tất cả đều cần có thời gian” – ông Nguyễn Khánh Chung chia sẻ.
Với phương án tích hợp về kiến thức, ông Nguyễn Khánh Chung đánh giá là phù hợp với việc thực hiện Chương trình phổ thông mới. Trong giai đoạn 2 – 3 năm tới cần triển khai theo từng lộ trình từng cấp độ: Nên bắt đầu với 10% – 20% tỷ trọng các câu hỏi tích hợp trong 2 năm đầu, 30% – 40% kiến thức tích hợp trong năm thứ 3. Làm như vậy, các nhà trường mới có thời gian chủ động xây dựng chương trình dạy học theo hướng tích hợp.
Phương án này sẽ khuyến khích các nhà trường phát triển giáo dục STEM, từ đó thúc đẩy chất lượng giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đây là phương án khó triển khai, nguyên nhân nằm ở năng lực của đội ngũ giáo viên hiện nay có đủ để xây dựng nội dung dạy học tích hợp hay không, có xây dựng được ngân hàng câu hỏi tích hợp và đặc biệt, có thể dạy tích hợp cho học sinh hay không?